Tạp A-hàm (Bộ 4 quyển)

Giá

:

640.000₫

Mô tả :

Dịch Việt

Thích Đức Thắng
Hiệu chỉnh và chú thích Tuệ Sỹ
Phát hành:  Hương Tích
Nhà xuất bản: Hồng Đức
Hình thức bìa: Bìa cứng
Bộ gồm: 4 quyển

 

Giảm 10% khi mua trọn bộ Kinh A-hàm hoặc Luận A-tì-đạt-ma Câu-xá

Giảm 10% khi mua trọn bộ Kinh A-hàm hoặc Luận A-tì-đạt-ma Câu-xá

Miễn phí giao hàng đối với quý Tăng - Ni (đơn hàng trên 1.500.000đ)

Miễn phí giao hàng đối với quý Tăng - Ni (đơn hàng trên 1.500.000đ)

Giảm 10% mọi tựa sách khi thỉnh mua trực tiếp tại Thư quán

Giảm 10% mọi tựa sách khi thỉnh mua trực tiếp tại Thư quán

Hỗ trợ gửi TẶNG SÁCH

Hỗ trợ gửi TẶNG SÁCH

Tạp A-hàm - Lịch sử truyền dịch

Tuệ Sỹ

Ý NGHĨA VÀ TRUYỀN THỪA

Tạp A-hàm (Skt. Samyukta-āgama), truyền thống của phần lớn các học phái sơ kỳ Phật giáo, ngoại trừ Hữu bộ, liệt kê là bộ thứ ba trong bốn A-hàm, tương đương với Samyutta thuộc bộ thứ tư trong năm bộ Nikāya (Pāli), được biên tập trong đại hội kết tập lần thứ nhất.

Luật Ma-ha Tăng kỳ, thuộc Đại chúng bộ (Mahāsaṅgika),chép: “Tôn giả A-nan tụng lại toàn bộ Pháp tạng như vậy. Những kinh có văn cú dài được tập hợp thành một bộ gọi là Trường A-hàm. Văn cú vừa, tập hợp thành bộ Trung A-hàm. Văn cú tạp, tập hợp thành bộ Tạp A-hàm. Các thể tài như Căn tạp, Lực tạp, Giác tạp, Đạo tạp, vân vân, được gọi là tạp.”
 [1]Các bộ Luật khác, chép về đại hội kết tập này, mà hầu hết Hán dịch đều gọi là “tạp” với giải thích gần tương tợ, nhưng không xác định nghĩa.[2] Từ “tạp” được giải thích như vậy không hoàn toàn có nghĩa “pha tạp” hay “tạp loạn” [3] , nghĩa là pha trộn nhiều thứ linh tinh khác nhau vào một gói. Từ này được thấy xác định hơn theo giải thích của Tì-ni mẫu kinh: “Trong đó, tương ưng (liên hệ) Tỳ-kheo, tương ưng Tỳ-kheo-ni, tương ưng Đế Thích, tương ưng chư Thiên, tương ưng Phạm Thiên; những kinh như vậy được tập hợp thành một bộ gọi là Tạp A-hàm.” Nói là tương ưng Tì-kheo-ni, tương ưng Phạm Thiên, vân vân, cho thấy các tương đương của chúng trong Pāli: Bhikkhunī-samyutta, Brahma-samyutta. “Tạp” được giải thích như vậy hàm nghĩa “tương ưng”, chỉ rõ những kinh liên hệ đến Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, chư Thiên, vân vân được tập hợp thành một bộ. Nghĩa Tịnh[4]và Huyền Trang đều hiểu theo nghĩa này, do đó dịch là Tương ưng A-cấp-ma. Từ Sanskrit saṃyukta, nguyên là phân từ quá khứ thụ động bởi động từ căn sam-YUJ, có nghĩa là kết hợp, nối kết hai cái lại với nhau như buộc hai con bò vào trong một cỗ xe kéo. [5] Ý nghĩa nối kết hay “tương ưng” này được thấy rõ trong giải thích của Hữu bộ tì-nại-da tạp sự. Theo đó, những kinh có nội dung liên hệ (=tương ưng) đến năm uẩn, được tập hợp thành “Phẩm Uẩn”;[6] những kinh có nội dung liên hệ đến xứ, giới, được tập hợp thành các phẩm “Xứ”[7] và “Giới”.[8] 

Huyền Trang trong Pháp trụ ký cũng dịch là “Tương ưng A-cấp-ma”, nhưng lại kể thêm “Tạp loại A-cấp-ma”, và nói Tố-đát-lãm tạng, tức Kinh tạng, bao gồm năm A-cấp-ma.[9] Tạp loại A-cấp-ma được kể trong đây như vậy là bộ thứ năm, tương đương với Nikāya thứ năm của Pāli là Khuddaka-nikāya. Pāli khuddaka, hay Sanskrit kṣudra có nghĩa là “tạp toái”, chỉ những tiểu tiết, chi tiết vụn vặt, không quan trọng, như những điều luật Phật chế nếu thấy là không quan trọng thì chúng tỳ-kheo có thể liệt vào loại “tạp toái giới” (skt. kṣudrānukṣudraka) và có thể tùy ý không tuân giữ.[10] 

Nhưng trong Đại Tì-bà-sa 6, Câu-xá 29 Du-già-sư địa 85, Huyền Trang dịch từnày là Tạp A-cấp-ma.[11] Mặc dù trong Pháp trụ ký phân biệt rõ hai bộ loại tương ưng và tạp loại khác nhau, trong các Luận này, Hán dịch của Huyền Trang đồng nhất Tương ưng A-cấp-ma với Tạp A-cấp-ma. Có lẽ gọi là A-cấp-ma vì bấy giờ từ “Tạp” đã thông dụng chỉ một trong bốn A-hàm. Dù vậy, trong giải thích của luận Du-già sư địa, từ “Tạp” trong Tạp A-cấp-ma cũng hàm nghĩa “tương ưng”.

Luận nói, “Sự khế kinh, đó là bốn A-cấp-ma: 1. Tạp A-cấp-ma, 2. Trung A-cấp-ma, 3. Trường A-cấp-ma, 4. Tăng nhất A-cấp-ma. Về Tạp A-cấp-ma, trong đó, đức Thế Tôn quán sát các hạng cần được giáo hóa như vầy, như kia, tuyên thuyết những chủ đề liên hệ (=tương ưng) được nói bởi Như Lai và các Đệ tử; những chủ đề liên hệ uẩn, xứ, giới, liên hệ duyên khởi, thức ăn, Thánh đế; những chủ đề liên hệ niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi, niệm hơi thở ra vào, hữu học chứng tịnh, vân vân. Lại nữa, y theo tám chúng mà nói liên hệ các chúng. Được kết tập vào phần cuối, với mục đích để cho Thánh giáo tồn tại lâu dài, cuối mỗi tương ưng được kết thúc bằng bài kệ tóm tắt.”
[12] 

Đấy là nói về hình thức tổ chức. Ý nghĩa liên hệ hay tương ưng như vậy được phân thành ba tổ: 1. người nói (năng thuyết), là Như Lai và các Thánh đệ tử; 2. điều được nói (sở thuyết), là các chủ đề liên hệ như uẩn, xứ, giới;3. đối tượng nhắm đến (sở vị thuyết), là các chúng tỳ-kheo, chư thiên, Ma, v.v…

Như vậy, những kinh mà nội dung chứa đựng các chủ đề, hay vấn đề liên hệ nhau được tập hợp thành một tương ưng, theo đây có thể hiểu là một thiên hay một chương. Luận giải thích thêm: “Các giáo nghĩa với các thể tài liên hệ nhau như vậy được sưu tập và dồn chung lại thành nhóm, gọi là Tạp A-cấp-ma.”
[13] Hán dịch của Huyền Trang trong đoạn này, từ “tạp” được giải thích là “gián xí cưu tập”. Trong Hán cổ, xí được dùng như là tạp. Cưu, chỉ loại chim gáy, thường tụ họp thành đàn, gọi là cưu hạp hay cưu tập. Căn cứ theo nghĩa Hán tự, Lữ Trừng giải thích cụm từ “gián xí cưu tập” như sau: “Thể tài được kết tập của Kinh tuy có thể gọi là tương ưng, nhưng văn của Kinh được sắp xếp tùy nghi, không thuận theo thứ tự, như vậy mà có nghĩa là tạp. Những tương ưng được nói bởi Như Lai hay các đệ tử, tùy theo người nói mà đặt lên đầu các thiên, nhưng văn của Kinh thì đặt xen kẽ (gián xí) các tương ưng khác vào giữa. Lại nữa, tương ưng giới cùng với tương ưng uẩn, xứ nên được xếp chung một loại, nhưng trong văn của Kinh lại đặt xen kẽ vào giữa các đề tài như nhân duyên, (Thánh) đế, thực. Do sự “gián xí cưu tập” như vậy mà kinh được gọi tên là Tạp A-cấp-ma.”[14] 

Tuy có các giải thích được thấy trên, “tạp” ở đây vẫn không hẳn có nghĩa là pha tạp, nếu hiểu pha tạp là trộn lẫn nhiều thứ tạp nhạp với nhau, mà là sự tổ hợp có thứ tự hợp lý. Thế nhưng, như được định nghĩa trong Phân biệt công đức luận, “Tạp, chỉ những kinh có nội dung đoạn trừ kết sử, thật khó đọc thuộc, khó ghi nhớ; thể tài phần nhiều vụn vặt (= tạp toái) khiến người ta dễ quên.”[15] Đoạn Hán dịch này do từ “tạp toái”, được hiểu là tạp nhạp hay tạp loạn, xem đó là ý nghĩa chính của từ này, nên có thể khiến bỏ sót từ khác cũng rất quan trọng để hiểu nội hàm của tạp; đó là từ đoạn kết. Tất nhiên từ “đoạn kết” cũng có thể hiểu là kết luận đoạn văn, hay phán quyết; nghĩa này không phù hợp ở đây. Trong tiếng Phạn, cùng họ với samyukta ta có từ saṃyojana, kết phược, một từ khác chỉ phiền não. Đoạn kết, hay đoạn trừ phiền não, là nội dung đại bộ phận các kinh được tập hợp trong bộ loại này.[16] 

Trong đoạn văn dẫn thượng từ Du-già sư địa, có nhắc đến cụm từ “sự khế kinh.” Đó là một trong 24 đề mục tạo thành các bộ phận của Kinh tạng (Tố-đát-lãm sự, sūtra-vastu).[17] Sự, chỉ cho thể tài, hay các vấn đề được đề cập. Luận nói, “Nên biết, những điều Phật nói được bao gồm trong chín thể tài (sự, vastu): 1. hữu tình sự, 2. thọ dụng sự, 3. sinh khởi sự, 4. an trú sự, 5. nhiễm tịnh sự, 6. sai biệt sự, 7. thuyết giả sự, 8. sở thuyết sự, 9. chúng hội sự.”[18] Trong đó, hữu tình sự (sattva-vastu) bao gồm các vấn đề liên hệ đến năm thủ uẩn. Thọ dụng sự (upabhoga-vastu), các vấn đề liên hệ đến 12 xứ. Sinh khởi sự (utpatti-vastu), liên hệ đến duyên sinh và các chi duyên khởi. An trú sự (sthiti-vastu), liên hệ đến bốn loại thức ăn. Nhiễm tịnh sự (saṃkleśa-vyavadāna-vastu), liên hệ bốn Thánh đế. Sai biệt sự (vaicitrya-vastu), liên hệ vô lượng giới. Thuyết giả sự, Phật và các đệ tử của Phật. Sở thuyết sự, liên hệ các bồ đề phần (bodhyaṅga)gồm bốn niệm trụ, vân vân. Chúng hội sự, chỉ các Kinh liên hệ đến tám chúng.

Chín sự như vậy cũng chính là toàn bộ tổ chức của Tạp A-hàm, bao gồm cả nội dung và hình thức. Do bởi nguyên bản Phạn của Kinh đã thất lạc, đến nay chưa được phát hiện, nên Kinh được tổ chức như thế nào chỉ là vấn đề của suy luận. Bản dịch Hán hiện tại được nói là có phần tạp loạn, do bởi chính truyền bản hay do bởi những người biên tập Hán dịch. Song, nếu đối chiếu với truyền bản Pāli tương đương, ta cũng có thể hình dung một cách rất khái quát tổ chức nguyên thủy của Phạn bản, chí ít đó là truyền bản được đọc bởi Du-già sư địa.

Trong liệt kê chín sự bởi Du-già sư địa như đã thấy, ta có các tương đương Pāli từ Samyutta-nikāya như sau. Thứ nhất, những vấn đề liên hệ đến năm thủ uẩn, đó là các Kinh được tập họp thành phẩm Uẩn, Khandhavaggo; phẩm này gồm 13 saṃyutta (tương ưng). Thứ đến, những Kinh với nội dung liên hệ đến xứ tập hợp thành phẩm Sáu xứ, Saḷāyatanavaggo; phẩm này gồm 10 saṃyutta. Tiếp theo, liên hệ đến duyên sinh và duyên khởi bao gồm các Kinh trong phẩm Nhân duyên, Nidānavaggo, gồm 10 saṃyutta. Thứ tư, liên hệ vấn đề thức ăn để chúng sinh tồn tại, không có thiên phẩm riêng biệt, mà chỉ là một chương gọi là Ahāravaggo, trong tương ưng thứ nhất, Nidānasaṃyuttaṃ, thuộc phẩm Nhân duyên, Nidānavaggo. Thứ năm, liên hệ bốn Thánh đế, tương đương với tương ưng Thánh đế, Saccasaṃyuttam, thuộc thiên Đại phẩm, Mahāvaggo. Thứ sáu, liên hệ đến đa giới, tương đương Dhātusaṃyutta trong phẩm Nhân duyên, Nidānavaggo. Thứ bảy, gồm các samyutta phân tán trong các thiên phẩm (vagga). Thứ tám, gồm đại bộ phận các samyutta trong phẩm Đại, Mahāvaggo. Thứ chín, chúng hội sự, tức liên hệ tám chúng, gồm 11 samyutta trong phẩm thứ nhất, gọi là thiên “Có Kệ”, Sagāthāvaggo.

Xem thế, tổ chức nguyên hình Phạn bản rất gần với bản Pāli hiện tại. Sự bố trí các thiên phẩm, các samyutta, khác nhau là do sự truyền tụng khác nhau giữa các bộ phái. Đó là điều tất nhiên.

Về liên hệ bộ phái, như những ghi chép về cuộc kết tập Thánh điển lần đầu tiên tại Vương xá, Thánh điển nguyên thủy bao gồm hai bộ phận chính là Pháp và Luật. Trong đó, Pháp là những điều Phật dạy được kết tập thành Kinh tạng, gồm bốn A-hàm theo truyền thống phương bắc được truyền tụng phổ biến tại Trung hoa, hoặc năm bộ Nikāya như được truyền thừa trong truyền thống Phật giáo phương nam. Tổng quát mà nói, khởi thủy, các bộ phái đều có chung một nền văn hiến Thánh điển nguyên thủy. Về sau, do sự phát triển các bộ phái, theo thời gian và trong nhiều khu vực địa lý khác nhau, mỗi bộ phái có thể có riêng Thánh điển là cơ sở học tập và nghiên cứu. Tình hình có thể thấy qua những ghi chép về hai hay ba cuộc kết tập đầu tiên trong Luật tạng của các bộ phái qua các bản Hán dịch hiện hành.
[19] 

Hiện tại, chỉ riêng Thượng tọa Nam phương (Theravāda) còn lưu truyền hầu như hoàn chỉnh Thánh điển nguyên thủy hay gần với nguyên thủy. Điều này có thể được là do nhờ ở tình hình chính trị xã hội tại Tích Lan. Trên địa bàn Ấn Độ, nơi phát triển của các bộ phái Phật giáo, do tình hình xã hội, chính trị, tôn giáo qua nhiều thời đại và trong nhiều vương quốc cát cứ, Phật giáo nhiều nơi và nhiều thời bị trấn áp, bị khống chế và cuối cùng diệt vong, mà ảnh hưởng là Thánh điển các bộ phái theo đó cũng phần lớn bị hủy diệt. Điều may mắn là đại bộ phận đã được dịch sang Hán văn.

Các bộ A-hàm cũng bị chi phối bởi các biến cố lịch sử như vậy. Mặc dù các kinh đơn bản thuộc các bộ A-hàm được truyền dịch rất sớm, trong đó đáng kể là những kinh thuộc Tạp A-hàm. Nhưng do xu hướng Đại thừa Phật giáo Trung quốc, Thánh điển A-hàm được phán định là kinh điển Tiểu thừa, được xem là dành cho hạng căn cơ thấp kém, nên không có nghiên cứu đáng kể nào về bộ phận Thánh điển này. Điều này khiến các nhà nghiên cứu Phật giáo Trung quốc lấy làm ân hận.

Theo sự phán định của các nhà nghiên cứu văn học Phật giáo Hán tạng, trong bốn bộ A-hàm Hán dịch, thứ nhất Trường A-hàm thuộc Pháp tạng bộ (Dharmagupta), cùng hệ với Luật Tứ phần. Tăng Nhất A-hàm thuộc Đại chúng bộ (Mahāsaṅgika), hoặc Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravāda), một hệ phái chi mạt của Đại chúng bộ. Trung và Tạp A-hàm thuộc Hữu bộ (Sarvāstivāda).
[20] [21] 

Về thứ tự ưu tiên của bộ loại, hầu hết Luật tạng của các bộ đều ghi thứ nhất Trường, thứ đến Trung, Tạp, và cuối cùng Tăng nhất. Thứ tự này kể theo hình thức. Tuy vậy trong bản Hán dịch hiện tại, có những kinh trong Tạp A-hàm cũng được đặt vào trong Trường hay của các bộ phái khác. Cho nên, độ dài của các kinh không phải là tiêu chuẩn thống nhất giữa các bộ phái biên tập bộ loại.

Trong dẫn chứng của Du-già sư địa dẫn thượng,
[22] Tạp A-hàm được kể đầu tiên, tiếp theo Trung và Trường, cuối cùng là Tăng nhất. Đại sư Ấn Thuận cho rằng đây có thể là hình thức kết tập tối cấp được bảo lưu.[23] Du-già cũng nói là tổ chức các kinh được biên tập thành bộ loại theo tiêu chuẩn độ dài. Nhưng chín thể tài mà luận này nói đó là toàn bộ những điều được Phật dạy; chín thể tài này là nội dung của chính Tạp A-hàm.

Trên đại thể, toàn bộ kinh được tổng quát trong ba bộ phận chính mà Du-già phân loại thành năng thuyết, sở thuyết và sở vị thuyết. Phân loại này có thể xem như phù hợp với điều được Tăng Triệu giới thiệu trong bài Tựa cho bản Hán dịch Trường A-hàm của Phật-đà-da-xá; theo đó, Tạp A-hàm gồm bốn phần mười tụng.
[24] 

Căn cứ theo đây, và tham chiếu với trần thuật bởi Du-già sư địa, Lữ Trừng đề nghị tổ chức Tạp A-hàm như sau:

Phần I: Tương ưng năm thủ uẩn, sáu xứ và nhân duyên

Tụng 1: Năm thủ uẩn.
Tụng 2: Sáu xứ.
Tụng 3: Duyên khởi.
Tụng 4: Thực (thức ăn).
Tụng 5: Đế (Thánh đế).
Tụng 6: Giới.

Phần II: Phật và đệ tử sở thuyết:

Tụng 7: Sở thuyết bởi đệ tử của Phật.
Tụng 8: Sở thuyết bởi Phật.

Phần III: Đạo phẩm.

Tụng 9: Niệm trụ, v.v…
Phần IV: Kết tập.

Tụng 10: Tám chúng.

Đặc biệt, phát biểu của Lữ Trừng về mối quan hệ giữa Tạp A-hàm với “Nhiếp sự phần”, thứ năm trong năm phần của Du-già sư địa, mà ông gọi là “Bản mẫu của Tạp A-hàm”.
[25] Bản mẫu, tức sanskrit Mātṛikā, phiên âm là ma-đát-lí-ca. Đó là thể Thánh điển phân tích giải thích, diễn giải những giáo nghĩa Phật nói trong các kinh mà ý nghĩa ẩn tàng chưa được rõ.[26] Thể loại này phát triển dần thành Thánh điển Luận tạng.

Nói cách khác, Bản Mẫu của Tạp A-hàm được biên tập trong Du-già sư địa là phác đồ giải thích những giáo nghĩa ẩn tàng mà Phật đã dạy được kết tập trong Tạp A-hàm. Xem thế cũng đủ thấy tầm quan trọng của bộ phận Thánh điển này đối với giáo nghĩa căn bản của các nhà Đại thừa Du-già hành (Duy thức).
[27] 
T.S.


------------------------------ 

[1] Căn tạp,…, Đạo tạp, các tương đương Pāli: Indriyasamyuttaṃ (Samyutta-nikāya, v. Mahāvaggo 4), Balasamyuttaṃ (ibid. Mahāvaggo 6), Bojjhaṅgasamyuttaṃ (ibid. 2), Maggasamyuttaṃ (inid. 1). Luật Ma-ha Tăng kỳ, quyển 32, T22n1425, tr.491c16: 尊者阿難誦如是等一切法藏。文句長者集為長阿含。文句中者集為中阿含。文句雜者集為雜阿含。所謂根雜力雜覺雜道雜。如是比等名為雜。一增二增三增乃至百增。隨其數類相從。集為增一阿含。雜藏者。所謂辟支佛阿羅漢自說本行因緣。如是等比諸偈誦。是名雜藏。

[2] Tham khảo, Luật Ngũ phần quyển 30, Hóa địa bộ (Mahīśāsaka), T22n1421, tr.191a23: 迦葉如是問一切修多羅已。僧中唱言。此是長經今集為一部。名長阿含。此是不長不短今集為一部。名為中阿含。此是雜說為比丘比丘尼優婆塞優婆夷天子天女說。今集為一部名雜阿含。此是從一法增至十一法。今集為一部名增一阿含。自餘雜說今集為一部。名為雜藏。Luật Tứ phần quyển 54, Pháp tạng bộ (Dharmagupta): T22n1428_p0968b19: 彼即集一切長經。為長阿含。一切中經。為中阿含。從一事至十事從十事至十一事。為增一。雜比丘比丘尼優婆塞優婆私諸天雜帝釋雜魔雜梵王。集為雜阿含。如是生經本經善因緣經。方等經未曾有經譬喻經。優婆提舍經句義經。法句經波羅延經。雜難經聖偈經。如是集為雜藏。

[3] Dịch, quẻ Không, phần văn ngôn: đen và vàng, là sự xen tạp của trời đất. Vì trời thì đen, mà đất thì vàng.夫玄黃者,天地之雜也,天玄而地黃。

[4] Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da tạp sự, quyển 39, Nghĩa Tịnh dịch, T24n1451_p0407b16: 爾時諸阿羅漢咸作是念。我已結集世尊所說第三蘇怛羅。於同梵行無有違逆亦無訶厭。是故當知。此蘇怛羅是佛真教。復作是言。自餘經法。世尊或於王宮聚落城邑處說。此阿難陀今皆演說。諸阿羅漢同為結集。但是五蘊相應者。即以蘊品而為建立。若與六處十八界相應者。即以處界品而為建。若與緣起聖諦相應者。即名緣起而為建立。若所說者。於佛品處而為建立。若與念處正勤神足根力覺道分相應者。於聖道品處而為建立。若經與伽他相應者。此即名為相應阿笈摩。

[5] Trong ý nghĩa liên hệ, từ saṃyutta trong Pāli cũng có nghĩa là ràng buộc, nối kết. Thí dụ, đoạn kinh Pāli sau đây nói: kāḷo ca balībaddo‚ odāto ca balībaddo ekena dāmena vā yottena vā saṃyuttā assu. (S IV.163.), Có một con bò đen và một con bò trắng, chúng được buộc lại với nhau bằng một sợi dây thừng hay bằng một cái ách.

[6] Tương đương Pāli, Samyuttanikāyo, iii. Khandhavaggo, 1. Khandhasamyuttaṃ.

[7] Tương đương Pāli, Samyuttanikāyo, iv. Saḷāyatanavaggo, 1. Saḷāyatanasamyuttaṃ.

[8] 
[9] Đại A-la-hán Nan-đề-mật-đa-la sở thuyết pháp trụ ký, Huyền Trang dịch, T49n2030_p0014b03: 有五阿笈摩。謂長阿笈摩。中阿笈摩。增一阿笈摩。相應阿笈摩。雜類阿笈摩。

[10] D. ii. tr. 154: Ākaṅkhamāno, ānanda, saṅgho mamaccayena khuddānukhuddakāni sikkhāpadāni samūhanatu.

[11] T27, tr. 28c14; T29 tr. 154b22; T30 tr. 772c9.

[12] Du-già sư địa 85, T30 tr. 772c9: 事契經者。謂四阿笈摩。一者雜阿笈摩。二者中阿笈摩。三者長阿笈摩。四者增一阿笈摩。雜阿笈摩者。謂於是中世尊觀待彼彼所化。宣說如來及諸弟子所說相應。蘊界處相應。緣起食諦相應。念住正斷神足根力覺支道支入出息念學證淨等相應。又依八眾說眾相應。後結集者為令聖教久住。結嗢拕南頌。

[13] 
[14] Lữ Trừng, Phật học luận trước tuyển tập, t. I, tr. 2.

[15] T25 tr. 32b01: 雜者。諸經斷結。難誦難憶。事多雜碎喜令人忘。故曰雜也。

[16] Cf. Phiên dịch danh nghĩa 4, T54 tr. 111b5: 增一阿含明人天因果。二長阿含破邪見。三中阿含明諸深義。四雜阿含明諸禪法。

[17] Du-già sư địa 85, T30 tr. 772b20.

[18] Op.cit. T30 tr. 294a20: 又復應知諸佛語言九事所攝。云何九事。一有情事。二受用事。三生起事。四安住事。五染淨事。六差別事。七說者事。八所說事。九眾會事。

[19] Hóa địa bộ (Mahīśāsaka), Ngũ phần luật, T22 tr. 191a; Đại chúng bộ (Mahāsaṅgika), Ma-ha Tăng-kỳ luật, T22 tr. 491c; Pháp tạng bộ (Dharmagupta, Đàm-vô-đức), Tứ phần luật, T22 tr.968b; Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda), Thập tụng luật, T24 tr. 407b.

[20] Ấn Thuận, Thuyết nhất thiết hữu bộ luận thư dữ luận sư chi nghiên cứu, Dân quốc 81, tr. 91-95.

[21] 
[22] Dẫn bởi chú thích 12 trên.

[23] Ấn Thuận, Tạp A-hàm kinh hội biên, tập 1, tr.7.

[24] Tăng Triệu, Trường A-hàm kinh tự, T1 tr. 1a11.

[25] Lữ Trừng, Tạp A-hàm kinh san định ký, Phật học luận trước tuyển tập I, tr. 17.

[26] Du-già sư địa 85 T30 tr. 773: 當說契經摩呾理迦。為欲決擇如來所說。如來所稱所讚所美先聖契經。譬如無本母字義不明了。如是本母所不攝經。其義隱昧義不明了。與此相違義即明了。是故說名摩呾理迦。

[27] Chính nhờ những giải thích của Du-già sư địa, đồng thời đối chiếu với Samyutta-nikāya, bản dịch Việt có thể lý giải được một số điểm mơ hồ hay bất xác trong bản dịch Hán.

Sản phẩm liên quan