Thân Phận

Giá

:

108.000₫

120.000₫

-10%
Mô tả :

Tác giả: Hoài Khanh

Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức

Trọng lượng (gr): 240

Giảm 10% khi mua trọn bộ Kinh A-hàm hoặc Luận A-tì-đạt-ma Câu-xá

Giảm 10% khi mua trọn bộ Kinh A-hàm hoặc Luận A-tì-đạt-ma Câu-xá

Miễn phí giao hàng đối với quý Tăng - Ni (đơn hàng trên 1.500.000đ)

Miễn phí giao hàng đối với quý Tăng - Ni (đơn hàng trên 1.500.000đ)

Giảm 10% mọi tựa sách khi thỉnh mua trực tiếp tại Thư quán

Giảm 10% mọi tựa sách khi thỉnh mua trực tiếp tại Thư quán

Hỗ trợ gửi TẶNG SÁCH

Hỗ trợ gửi TẶNG SÁCH

In lần đầu 1962. Tái bản lần 6, Hương Tích, 2014, với bài Giới thiệu của Phạm Công Thiện và Thích Phước An, và Phụ lục với 16 bài thơ trong thi tập Dâng Rừng ấn hành năm 1957.

_____________

Nỗi cô đơn của Hoài Khanh

Thôi nước mắt đã ghi đời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
 

Chiều 30 Tết, sương mù xuống nhiều, hai người lang thang trên mấy nẻo đường ở Đà lạt…

Hoài Khanh bỏ Biên hòa và lên Đà lạt ăn Tết với tôi. Bạn bè dăm đứa hắt hiu cuối trời… Hôm đó, tôi đi vắng. Hoài Khanh bơ phờ đứng chờ tôi. Vừa bước về nhà, chợt thấy Khanh, tôi rưng rưng ôm anh mà hôn… Xa nhau bao ngày, bây giờ lại trùng phùng nơi cảnh trời thơ mộng vào ngày cuối năm. Ngày trước khi chia tay nhau chúng tôi có ngờ đâu lại gặp nhau trong một khung cảnh thiên đàng, giữa mùa hoa đung đưa, dưới bầu trời đầy mây trắng lê thê trong hơi xuân mơ hồ của Đà lạt. Chúng tôi dẫn nhau lang thang trên những đường phố tối tăm nhất, lắng nghe tiếng chó sủa và lắng nghe tiếng lòng mình rạo rực đau khổ vì quá bơ vơ, vì quá lạc lõng giữa sa mạc loài người. Người này nắm tay người kia, dắt nhau đi, lê thê như hai người mù đi xin ăn giữa phố chợ: chúng tôi đi ăn mày một chút tình thương giữa con người, một chút giao cảm, một chút rộng lòng, một ánh lửa ấm áp giữa đêm lạnh nhất và đen tối nhất của ngày cuối năm. Người ta chết và không hạnh phúc.

Cuộc đời đã quá nhiều ngộ nhận. Đêm ba mươi Tết không mưa. Chúng tôi nhắc đến những người bạn khác, nhắc đến Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, … Mỗi người bơ phờ ở một góc trời, ôm một nỗi lòng tha thiết, nồng nàn dâng trọn hồn mình cho đời.

Hoài Khanh ở với tôi được vài ngày, rồi không hiểu sao, tôi lại đuổi Khanh về Biên hòa… Tôi chịu anh không được. Ngày anh đến, tôi hôn anh. Ngày anh đi, tôi muốn anh đi cho phức mắt.

Mấy ngày anh ăn Tết với tôi ở Đà lạt, anh chỉ im lặng và ít nói. Chúng tôi thương nhau lắm. Thế mà chỉ nhìn nét mặt của anh và chỉ nghe sự im lặng của anh, tôi kinh hoàng đi. Tôi muốn đuổi anh đi ngay, tôi muốn đuổi một hình ảnh hãi hùng: tôi muốn được thanh bình trong tâm hồn trong những ngày này. Bởi vì đây là hình ảnh bi đát của Đời, của con người, của một kẻ bị đày giữa bãi đất hoang tàn của nghĩa địa trần gian. Nhìn nét mặt Khanh, tôi thấy sự Chết, tôi thấy Bệnh hoạn, Đau khổ, Quằn quại, Khắc khoải, Ray rức, Xao xuyến, Hãi hùng, Hoang liêu, Cô đơn; tôi thấy sự Chiến bại, sự Thất vọng của con người. Nghe sự im lặng của Khanh, tôi cảm thấy Thượng đế, tôi cảm thấy Quỷ ma, tôi cảm thấy Tiếng nói của một ngàn đêm, hai ngàn đêm, triệu ngàn đêm, tiếng nói của muôn triệu ngàn đêm vọng về hiu hiu trong lòng nhân thế. Tôi không muốn nghe, cũng như bao nhiêu người khác cũng không muốn nghe, bởi vì đó là tiếng nói của sự thật: Tiếng nói của dòng sông vạn ngàn năm chảy trôi về biển. Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù…

Tôi muốn trốn thân phận con người, tôi không muốn nhìn hình bóng lẻ loi của một kẻ bị đày ở cuối trời miên viễn… Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể… không thể được. Không thể trốn. Chỉ còn cách tự tử như Hemingway trong một cơn khủng hoảng thác loạn. Nếu không làm thế thì đứng lại mà trừng mắt ngó nhìn nét mặt Khanh, lắng nghe sự im lặng của Khanh và đừng chạy trốn nữa.

Thế rồi cách đây một tuần, lúc về Sài gòn, tôi có ghé lại Biên hòa để gặp Khanh. Khanh chỉ ở một mình, trong một căn nhà tồi tàn, tôi nhìn lên vách và gặp những bức tranh của Michel Ange, của Van Gogh và Picasso, những bức ảnh của Pasternak, Evtushenko, Salinger, Hemingway và Camus, rồi tôi nhìn Khanh. Bỗng nhiên, tôi thấy tất cả sự vật ngừng lại, cả thế giới đứng lặng lờ và Hoài Khanh cũng đứng lặng lờ như một bức ảnh treo tường; tôi bay ra ngoài thế giới này và có cảm tưởng như là một hồn ma trở về viếng lại thế giới loài người, ngắm lại những hình ảnh bất di bất dịch của con người giữa dòng đời trôi chảy và trong một thoáng giây, tôi lắng nghe được tiếng nói miên man của sự im lặng đưa vọng ra từ đôi môi bất động của những bức ảnh kia và bỗng nhiên tôi thấy sống lại và không còn là hồn ma nữa, tôi nhìn mấy ngón tay, nhìn lại người mình đã mang lại xác người và tôi nhìn lại Hoài Khanh, tôi thấy anh không còn là một bức ảnh nữa. Anh cũng cử động như tôi và anh mở miệng cười. Tôi cũng mở miệng cười, nụ cười của một người mà linh hồn vừa mới thoát ly ra thể xác.

Đà lạt ngày 26 tháng 4 năm 1962
- Phạm Công Thiện

Sản phẩm liên quan