TUỆ SỸ: THIỀN PHẬT GIÁO VÀ THIÊN CHÚA GIÁO

18/02/2019

(...) Một vài chi tiết của cha Anthony trong các sa mạc khiến liên tưởng đến đoạn đường Tây du vượt qua sa mạc Gobi của Huyền Trang, cũng với nhiều quái tượng kinh khiếp, và ngài đã vượt qua được bằng Tâm kinh Bát-nhã: “ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.” 

Nhiệt độ thất thường trong sa mạc khiến không khí đặc loãng phân bố bất thường, do vậy người đi trong đó bắt gặp các quái tượng là điều tất nhiên. Huyền Trang vượt qua, không phải do bởi uy lực siêu nhiên, hay niềm tin sắt đá vào Thượng đế Chí Tôn, mà chính là nhờ nhận thức hiện tượng chân thực. Khi con người nhận thức được sự thực, quái tượng hay huyễn tượng tự nó biến mất. 

Một vài chi tiết khác cũng khiến liên tưởng đến giai đoạn trong Khổ hành lâm của đức Thích Tôn, cũng thường xuyên kinh sợ vì núi rừng hoang vắng, cho đến một tiếng lá rơi cũng gây cảm giác kinh hoàng, và Đức Thích Tôn nhận xét: những ai mà tâm còn ô nhiễm bởi tham sân si, người ấy sống trong chỗ rừng sâu hiểm ác sẽ phải luôn luôn kinh sợ. 

Sau khi cha Anthony vượt qua những thử thách và cám dỗ, dân làng phát hiện nơi cha một trạng thái an lành, tỏa sáng, và tươi trẻ về phương diện tinh thần. Từ đó cha được xưng tụng là vị Thánh anh hùng, và những câu chuyện truyền kỳ bắt đầu lưu truyền rộng rãi. Các tu sĩ và nữ tu lần lượt theo cha vào sa mạc ẩn mình cầu nguyện, và lập thành những tu viện đầu tiên trong sa mạc. 

Cha Anthony và các tu sĩ Thiên chúa giáo ẩn mình cô độc trong sa mạc để cầu nguyện, do theo lời dạy của Chúa Jesus về sự cầu nguyện: “Còn ngươi khi cầu nguyện thì hãy vào buồng, khóa cửa lại mà cầu nguyện với Cha ngươi, có mặt cả nơi kín ẩn; và Cha ngươi, Đấng thấu suốt cả nơi kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho ngươi.”9 Trên đời này, không nơi nào kín đáo hơn trong sa mạc. Cầu nguyện, cũng như tập thiền, cần nơi yên tĩnh vắng vẻ. Ấn-độ không có sa mạc như Phi châu, nên núi rừng, những khu gọi là a-lan-nhã (araṇya) là thích hợp nhất. Trong cầu nguyện, tâm chuyên nhất vào một đối tượng duy nhất: Thiên Chúa. Trong thiền, tâm chuyên nhất vào một đối tượng duy nhất: sự thật, quan sát dòng sinh diệt trong từng sát-na để nhận thức tính hư ảo và tính chân thực của tồn tại...

---------
Trích đăng từ bài viết "THIỀN PHẬT GIÁO VÀ THIÊN CHÚA GIÁO", tác giả Tuệ Sỹ, in trong Phật Học Luận Tập số 5 phát hành tháng 01/2019, độc giả quan tâm tìm đọc tại: 

☸️ https://sachhuongtich.com/phat-hoc-luan-tap-tap-5-01-2019 hoặc http://bit.ly/2PJdA95
☸️ Thư quán Hương Tích (308/12 Nguyễn Thượng Hiền, Phú Nhuận)

---------
Một số tác phẩm tiêu biểu khác trong số này:
- Thích Đức Thắng: TỨ ĐẾ
- Thích Phước An: THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN VỚI TÍN NGƯỠNG DI ĐÀ TẠI VIỆT NAM
- Nguyên Giác: SƯ NHÀ TỐNG SANG HỌC THIỀN NHÀ TRẦN
- Lê Văn Kinh: ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI PHÁP LUẬT TRIỀU LÝ
- Võ Quang Nhân: NĀLANDĀ: TRUYỀN THỪA, TRUYỀN NHÂN VÀ GIÁO PHÁP
- Nguyễn Thị Thanh Xuân: BIỂN TUỆ, VƯỜN TỪ ÁI (Tìm hiểu một số trước tác của Ni sư Thích Trí Hải) ...

Bình luận (0)

Viết bình luận :