THÍCH PHƯỚC AN: ĐI TÌM CHÂN LÝ CÓ CẦN NHÃN HIỆU HAY TÊN GỌI KHÔNG?

26/03/2020

Ngô Thời Nhậm là tên tuổi lớn của hậu bán thế kỷ 18 đã từng phát biểu rằng: "Chân thánh không cần đội mũ nhà Chu, chân Nho không cần đội mũ nhà Nho, chân Thiền không cần mặc áo cà sa".

Câu trên mang âm hưởng câu chuyện quan trọng trong Trung Bộ Kinh (Majjihima - Nikaya) của Phật Giáo:

"Một hôm đức Phật ở lại đêm trong xưởng của một người thợ làm đồ gốm. Cũng trong xưởng ấy có một ẩn sĩ trẻ tuổi đến đấy trước Ngài. Họ không biết nhau. Đức Phật quan sát người ẩn sĩ và tự nhủ: "Thanh niên này có những cử chỉ ngộ thay. Ta nên hỏi xem về người này". Bởi thế đức Phật liền hỏi:
"Hởi bạn, nhân danh ai mà bạn đã từ bỏ gia đình? Ai là thầy của bạn? Bạn thích lý thuyết của ai?"

Chàng ẩn sĩ trẻ tuổi đáp: "Ồ bạn ơi, có ẩn sĩ Cồ Đàm dòng họ Thích Ca, đã từ bỏ gia đình để trở thành một ẩn sĩ. Người ta đồn rằng đó là vị A - La - Hán (Arahant), một bậc Toàn Giác, chính nhân danh con người thánh thiện ấy mà tôi đã trở thành một ẩn sĩ. Người là thầy của tôi và tôi thích lý thuyết của Người".

- Vậy chớ con người thánh thiện ấy, vị A - La - Hán ấy, đấng Toàn Giác ấy bây giờ đang ở đâu?

- Ở các xứ về phương Bắc, hởi bạn có một đô thị gọi là Xá - Vệ (Savatthi) chính đấy là nơi đấng Thế Tôn, vị A - La - Hán, đấng Toàn Giác đang ở.

- Bạn có khi nào thấy vị ấy chưa? Đấng Thế Tôn ấy? Nếu gặp Người, bạn có thể nhận ra người ấy hay không?

- Tôi chưa bao giờ thấy đức Thế Tôn ấy. Nếu gặp Người tôi cũng sẽ không làm sao nhận ra được.

Đức Phật nhận ra rằng chính nhân danh Ngài mà người thanh niên xa lạ này đã từ bõ gia đình và trở thành một ẩn sĩ. Nhưng vẫn không để lộ tông tích, Ngài bảo:

- Hởi ẩn sĩ, tôi sẽ giảng cho bạn lý thuyết, hãy chú ý lắng nghe. Tôi sẽ nói:

- "Được bạn nói đi", người trẻ tuổi chấp thuận.
Khi ấy đức Phật giảng cho người thanh niên bài thuyết pháp đặc sắc nhất về chân lý.

Chỉ sau khi Ngài thuyết pháp xong, người ẩn sĩ tên là Pukkusati, mới nhận ra rằng người nói với chính mình là đức Phật, người thanh niên cúi thấp mình dưới chân đức Phật, và xin lỗi với Ngài vì đã không biết và đã gọi Ngài là "bạn".

Qua câu chuyện trên ta thấy rõ là khi Pukkusati lắng nghe đức Phật và lãnh hội được giáo pháp của Ngài, anh không hề biết người đang nói với mình là ai, hay đấy là giáo lý của ai. Anh ta tìm thấy chân lý, chỉ có vậy, mọi nhãn hiệu hay tên gọi đều phụ thuộc. Ngay cả nhãn hiệu Phật giáo mà ta đặt cho giáo lý của đức Phật cũng không mấy quan trọng. Cái tên mà ta đặt cho Phật là điều không thiết yếu, (Con đường thoát khổ - Trí Hải dịch).

Trong tinh thần không cần nhãn hiệu Nho giáo hay Phật giáo đó, ta có thể giải thích bài thơ trên của Ngô Thời Nhậm như thế nào?

Có lẽ ta phải hiểu như thế này: Nếu là một bậc Trượng Phu quân tử của Nho giáo thì "Phải trầm lặng mà thể hội lẽ thái hòa của trời đất". Còn nếu là một Thiền sư của Phật giáo thì khi đi sâu vào thiền định sẽ trực nhận được rằng:

Chư Pháp tùng bổn lai,
Thường tự tịch diệt tướng.
(Các pháp xưa nay
(Vốn thường tự vắng lặng).
Như hai câu kệ mà kinh Pháp Hoa đã mô tả.

(Trích từ bài "Từ Nguyễn Trãi đến Ngô Thời Nhậm và con đường đi lên đỉnh núi Yên Tử")
______
In trong tác phẩm "Đường Về Núi Cũ Chùa Xưa", tác giả Thích Phước An, Hương Tích phát hành, xem thêm tại:

https://sachhuongtich.com/duong-ve-nui-cu-chua-xua

Bình luận (0)

Viết bình luận :