Những Ẩn Ý Hàm Súc Mênh Mông của Ngôn Ngữ Việt Nam Đối Với Khả Năng Diễn Đạt của Chữ Anh, Chữ Pháp và Chữ Tàu

23/08/2020

 Phạm Công Thiện  

Những Ẩn Ý Hàm Súc Mênh Mông của Ngôn Ngữ Việt Nam Đối Với Khả Năng Diễn Đạt của Chữ Anh, Chữ Pháp và Chữ Tàu

Bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu lại với câu thơ mở đầu của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta”.

Câu này rất dễ hiểu, nhất là khi chúng ta để dấu phẩy sau hai chữ “trăm năm” như Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ. Lê Xuân Thủy đã dịch ra Anh ngữ rất đúng nghĩa, theo sát sự phân đoạn  sau dấu phẩy ấy: “Within the span of a hundred years of  human existence…” mà chúng ta xin tự tiện dịch lại chữ Việt đại loại như vầy: “Trong vòng khoảng hay quãng một trăm năm của sự hiện hữu con người hay của sự  tồn sinh, hiện sinh, tồn tại nhân sinh…”. Câu dịch Anh ngữ rất chính xác và minh bạch. Bất cứ người nào biết cách sử dụng Anh ngữ một cách thần tình đi nữa thì cũng chỉ có thể dịch khác đi đôi chút, chứ không thể hơn được.

Chính tính cách rõ ràng sáng nghĩa của ngữ pháp văn phạm trong những ngôn ngữ Tây phương cận đại và hiện đại đã khiến câu thơ hàm súc của Nguyễn Du bị chuyển đưa qua một bình diện tầm thường theo điệu thời gian thông tục của Tây phương: cái này là thời gian, là quãng thời gian ở trong cái kia là cái thời gian khác hoặc thời gian lớn rộng hơn hoặc không gian khác trong không gian. Cái này là ở trong cái kia mà cái kia là cái khung thời gian hoặc cái khung không gian. Không gian cũng có thể được hiểu như có tính cách thuần nhất và được xác định bởi một vị trí nhất định nào đó trong việc liên hệ tương quan với những vị trí khác. Còn thời gian thì được xác định bằng cái hiện giờ, cái bây giờ trong cái chuỗi liên tục kéo dài từ cái đã đi mất và cái chưa tới, một chuỗi những những cái hiện tại khoảnh khắc “bây giờ” được trương dài ra như sự duỗi ra và căng dài ra, làm thành tính cách “thân trương” (extension) của “sự thể thân trương” (res extensa) trong quan niệm thông tục của triết học Tây phương và nhận thức thông thường của người đời ở cả Tây phương và Đông phương hiện đại.

Trong bản dịch chữ Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh lại dịch câu thơ đầu của Truyện Kiều qua một bình diện khác có tính cách giải nghĩa công phu tường tận hơn và cũng bỏ dấu phẩy phân đoạn sau hai chữ “trăm năm” như Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim: “Cent année, dans cette limite de notre vie humaine…” mà chúng ta có thể dịch lại chữ Việt rằng: “Trăm năm, trong sự giới hạn này, kỳ hạn này hay niên hạn này của đời người chúng ta…”. Chữ “limite” của Nguyễn Văn Vĩnh đã được sử dụng khéo léo để dịch chữ “cõi” của Nguyễn Du, và đây là kết quả cuộc suy ngẫm dài lâu của tiên sinh về câu thơ đầu tiên của Truyện Kiều.

Chính những chữ dịch đầu tiên của những dịch giả đi trước đã không làm vừa lòng tiên sinh như tiên sinh đã giãi bày cặn kẽ trong lời chú thích dài cho câu dịch kia. Nguyễn Văn Vĩnh có dẫn lại cách dịch của Abel des Michels rằng: “Xưa nay, giữa những con người…” (De tout temps, parmi les hommes…), còn Nguyễn Văn Vĩnh thì dịch vào năm 1913 như vầy: “Trong trăm năm làm thành cái kỳ gian có hạn định của đời người” (Dans les cent ans qui constituent la durée limitée de la vie humaine). Nhưng tiên sinh vẫn không vừa lòng và cố gắng dịch lại cho sát nghĩa hơn: “Trăm năm, trong cái hạn chế của đời người”. (Cent ans, dans cette limite de la vie humaine). Tiên sinh đã đếm được cách dùng “trăm năm” trong Truyện Kiều đến mười lần và theo tiên sinh thì mỗi lần “trăm năm” phải được dịch ra chữ Pháp khác nhau. Đối với Nguyễn Văn Vĩnh, điều này có lẽ đã chứng tỏ rằng hai chữ “trăm năm” không có chữ tương nghĩa tương đồng thực sự trong chữ Pháp, chứ không phải chứng tỏ rằng tư tưởng Việt Nam thiếu mất tính cách tinh mật minh xác (“Cela prouve peut-être qu’elle n’a pas son equivalent en français et non pas que la pensée annamite manqué de précision”).

Điều tế nhận của Nguyễn Văn Vĩnh rất chính xác. Ngôn ngữ tiếng nói của chúng ta rất tinh mật, minh xác và chính xác mà vẫn tràn đầy những ẩn ý hàm súc mênh mông và những khả tính phong phú vô tận. Rất đáng tiếc là Nguyễn Văn Vĩnh vẫn bị hạn chế bằng dấu phẩy sau hai chữ “trăm năm”.

Một dịch giả không để dấu phẩy sau hai chữ “trăm năm” là đông y sĩ Trương Cam Vũ lúc tiên sinh dịch lại Truyện Kiều ra chữ Tàu: “Trong trăm năm đời người quán trọ” (Nghịch lữ nhân sinh bách tuế trung), câu dịch tài tình và thừa ra hai chữ “nghịch lữ” (nhà trọ, quán khách) vì bị ảnh hưởng một câu thơ của Lý Bạch và vì câu thơ Tàu phải cần có đủ bảy chữ. Câu thơ của Nguyễn Du quá súc tích đến nỗi cái tính súc tích nổi tiếng của chữ Tàu cũng khó diễn lại đầy đủ: “Nghịch lữ nhân sinh bách tuế trung”, “Quán trọ đời người hay đời người quán trọ trong trăm năm”.

Phân Tích Triết Học Về Chữ “Trong”

Khi nào chúng ta thực sự bình thản đọc đi đọc lại câu thơ đầu của Truyện Kiều thì bỗng nhiên vụt thấy rằng cái chữ quan trọng nhất trong sáu chữ “Trăm năm trong cõi người ta” lại chính  là chữ “trong”, cái chữ nhẹ nhàng dễ hiểu nhất lại chính là cái chữ có trọng lực mạnh nhất trong sáu chữ.

Về mặt âm thanh thì chữ “trong” chỉ là “thanh phù bình”, theo luật bằng trắc trong thể lục bát thì đáng lẽ chữ thứ ba trong sáu chữ phải là trắc (như b b t t b b) thì ở đây Nguyễn Du cố ý dùng tiếng bằng. Sau “trăm năm” đáng lẽ là trắc (thí dụ như người làm thơ dở thì sẽ hạ bút thành tiếng trắc “chết”) thì lại xuất hiện tiếng bằng bất thường, “bất luận”, tức là chữ “trong” đứng ở giữa hai chữ đầu và ba chữ cuối. Chữ “trong” này giữ được sự cân đối thăng bằng giữa “trăm năm” và “cõi người ta”.

Thi tài tuyệt diệu của Nguyễn Du nằm ở chỗ bất ngờ xoay chuyển một cách đa diện như vậy mà vẫn có được nhịp nhàng linh động và hoạt khí lưu chuyển dào dạt. Tư tưởng linh diệu của Nguyễn Du và thi tài tuyệt diệu của Nguyễn Du chừng như đã liễm dung lại mười bốn chữ tuyệt vời của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (Trăm năm còn có gì đâu, chẳng qua một nấm cổ khâu  xanh rì) thành ra sáu chữ tuyệt tác giản dị “Trăm năm trong cõi người ta”. Chính cái chữ “trong”  bình thường mà lạ thường nhất trong câu thơ đầu tiên của Truyện Kiều đã khai mở cả chân trời bao la cho tư tưởng triết lý và triết học.

Bây giờ chúng ta hãy khoan thai chậm rãi dừng lại đôi giây phút với những “trong” này. Theo nghĩa thông thường mọi người đều biết rằng chữ “trong” có những ý nghĩa sau: ngày trước trong lịch sử Việt Nam, chúng ta có hai chữ “Đàng Trong” để chỉ vùng đất Nam của quê hương, đối với vùng miền Bắc là “Đàng Ngoài”. Chữ “trong” thường có nghĩa ở giữa khoảng không gian và thời gian về cả hai mặt vật lý và tâm lý như “trong” đối với “ngoài”. Riêng về mặt thời gian, chúng ta cũng thường nói “trong khi” và “trong lúc”.  Chữ “trong” cũng phiếm chỉ giới hạn có tính cách số lượng trong không gian và thời gian như khi ta nói: “đường đi trong hai cây số”, “nghỉ ngơi trong mười phút”, “lo lắng cho người trong gia đình” v.v…

Chữ “trong” của Nguyễn Du có tất cả ý nghĩa thông thường của tiếng nói Việt Nam và có cả ý nghĩa ngược lại nữa, phải chăng giống như điệu nói của Đào Duy Anh đã nhận xét cách dùng chữ “phóng khoáng, cốt gợi lên một hình ảnh tổng hợp mà không câu nệ vào nghĩa từng từ” như mấy chữ “trong hào lũy” của Nguyễn Du (theo Đào Duy Anh thì đáng lẽ phải nói: “trong thì lũy, ngoài thì hào mới phải”. Nhận xét của Đào Duy Anh hoàn toàn sai lầm trong trường hợp câu thơ “trong hào ngoài lũy…”. Nếu Đào Duy Anh nhớ lại được quẻ Thái trong Kinh Dịch, quẻ Địa Thiên Thái, hào thượng lục, “thành phục vu hoàng” thì mới hiểu tại sao Nguyễn Du đã sử dụng “trong hào ngoài lũy tan hoang” lúc nói về sự sụp đổ sự nghiệp hiển hách của Từ Hải).

Riêng về chữ “trong” trong sáu chữ “Trăm năm trong cõi người ta” thì chúng ta phải hiểu như thế nào? Có thể hiểu trăm năm ở trong cái cõi người ta, mà cũng có thể hiểu rằng cái cõi người ta ở trong trăm năm. Chữ “trong” ở đây có thể chỉ mấy chữ đi trước mà cũng có thể chỉ mấy chữ đi sau; có thể chỉ không gian và thời gian mà cũng có thể ám chỉ cái gì làm không gian thành không gian, làm thời gian thành thời gian, làm thời gian thành không gian và làm không gian thành thời gian, và đồng thời nói lên đồng thời tính và giới hạn tính của thời gian nguyên ủy.

Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa thường tình theo điệu một vật thể nào ở trong một vật thể khác (như cuốn sách ở trong cái tủ, cái bàn trong cái nhà, chữ viết trong trang giấy), và ngay cả trong thể điệu “trong” nơi một vật thể nào ở trong một vật thể khác cũng chứa đựng những thể điệu chính yếu khác nhau như chữ “trong” trong “con nhện trong tơ nhện” vẫn khác chữ “trong” trong “con sông chảy trong thung lũng”, cũng như “rượu trong ly” vẫn khác nghĩa chữ “trong” trong “con hàu con hến trong vỏ hàu vỏ hến” hay “con rùa trong cái mu rùa”.

Hiển nhiên mấy chữ như “trong đời sống” và “trong mộng” đều có chữ “trong” giống nhau, nhưng ý nghĩa tính luận hoàn toàn khác nhau trong sự vận hành, vì đời sống thì đi đứng nằm ngồi, còn mộng thì chỉ nằm thôi mà vẫn thấy đủ đi đứng nằm ngồi. Chúng ta ở trong đời sống và ở trong cái chết, không phải giống như cái đèn ở trong lồng đèn.

Mấy chữ “trong lòng” của tiếng Việt Nam thì giống như nghĩa chữ “trong” trong nghĩa “trong cái chết và trong sự sống”, “trong thế gian” hay “trong cõi hồng trần” hay “trong cõi người ta”.

Triết Lý Việt Nam Về Chữ “Trong”

Chữ “trong” trong câu thơ đầu của Truyện Kiều có nghĩa Triết Lý Việt Nam như vầy: ăn ở, trú ngụ, di động ở bên trong lòng sự việc và sự thể mà sự tính của việc thể và sự thể chính là sự xuất hiện đột nhập của hiện tính thể vào bên trong toàn thể sự việc, sự thể và sự vật. Chính hai chữ “cái” và “con” đã nói lên tính cách thân thiết giao hội thâm viễn và tính cách tương cận thiết yếu giữa tính thể và thể tính, giữa sự, việc, vật và đồ vật trong cách nói như “cái con người”, “cái hồng nhan”, “cái nhà”, “con đường”, “cái ghế”, “con ong cái kiến” cho đến những từ quen thuộc cổ xưa như “con dại cái mang” hay “Bố Cái Đại Vương”. Hay như trong tựa sách chữ nôm Chỉ Nam Ngọc Âm giải nghĩa ở thời Trần gồm có hai câu thơ lạ lùng:

Soạn làm chữ cái chữ con
San bản lưu thuyền ai được thì thông.

Thể tính của chữ “con” là chữ “cái” mà tính thể của chữ “cái” lại là chữ “con” trong con có cái và trong cái có con, cho nên mới có chữ chung “con cái” và “cái con”. Chữ “trong” nơi “trong con có cái” và “trong cái có con” không những chỉ có nghĩa thời gian và không gian mà còn có nghĩa sự luân chuyển giao hội nhịp nhàng giữa hai cái khác nhau mà vẫn đồng thể tính, vô nhị thể tính.

Cái chữ “trong” của Nguyễn Du trong “trăm năm trong cõi người ta” là một chữ chính yếu nói lên thể tính của nhân tính: tất cả những tính cách như “nội tính”, “nội ngoại tính”, “tự tính”, “nhập tính”, “xuất tính”, “tại tính”, “trú tính”, “sở trụ tính”, “hiện tính” đều được đặt nơi nền tảng căn tính ở một chữ nôm duy nhất của Nguyễn Du: chữ “trong”.

Tự tính của con người luôn luôn vượt ra bên ngoài (xuất tính), vượt ra bên ngoài ở đẳng trước, ở đằng sau, ở trên và ở dưới, ở trong và ở ngoài. Con người chỉ là con người vì là có thể vượt ra đến tận cùng khả tính (cái chết), bị giựt kéo ra đằng sau quá khứ và bị lôi tới tương lai trước mặt, và hiện tại thì bị đẩy tới và kéo lui bởi cái đã lướt trôi qua và cái sắp xuất hiện. Thời gian tính chỉ có tính cách nhảy vọt ra bên ngoài, chỉ vì bản tính của con người là ở bên trong cái đà nhảy vọt bên ngoài ấy ở không gian và nhất là ở thời gian. Tính thể của con người là sáu chữ dính liền nhau “Trăm-năm-trong-cõi-người-ta” mà thể tính chính là cái “ở trong” cái nhân tính, không phải con người ở trong trăm năm và ở trong cõi người ta, mà chính con người trăm năm, cõi người ta; hay nói cho tinh mật hơn thì trăm năm ở trong con người, cõi người ta ở trong con người. Vì con người là thời gian và con người khai mở ra không gian. Chính trong lòng người thoắt sáng bừng lên tia chớp trí huệ và từ đó đồng thời có thời gian và có không gian, và không gian và thời gian được liên kết dính liền nhau bằng “trung tính” và “hiện tính” của chữ “trong” ở giữa “trăm năm” và “cõi người ta”.

Con người chỉ có khả năng vượt thoát ra bên ngoài bản thể mình vì có khả tính chính yếu là ở trong tự tính của mình. Có đi được vào tận Đàng Trong thì mới có khả năng phục hồi lại Đàng Ngoài, như hình ảnh của người anh hùng lịch sử đồng thời với Nguyễn Du như  Tây Sơn Nguyễn Huệ đã đi từ trong ra ngoài, từ  Đàng Trong ra đến Đàng Ngoài, từ trong thế lực mãnh liệt của cái sống bên trong “cõi người ta” phóng vượt ra ngoài tới bên trong cái “trăm năm” (mặc dù mới bốn mươi tuổi thì chết), khiến cho “nguyền trăm năm ngõ được vầy vui” trong Ai Tư vãn của Ngọc Hân Công Chúa (nhỏ hơn Nguyễn Du đến 5 tuổi) trở thành “trăm năm” của cái chết, của “phút giây bãi biển nương dâu / cuộc đời là thế, biết hầu nài sao?” và của “nỗi đoạn trường còn sống còn đau”. Hai tứ thơ đã được đồng vọng lại trong “Đoạn trường tân thanh” và trong bốn câu thơ đầu tiên của Truyện Kiều từ “Trăm năm trong cõi người ta” cho đến “Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Từ bên trong lòng biến loạn, hỗn loạn và đại loạn đương thời Lê Mạt Sơ Nguyễn và Tây Sơn mà Nguyễn Du đã đi được vào tận bên trong lòng khả tính tương nhập của chữ “trong” nằm giữa “trăm năm” và “cõi người ta”. Từ trong “trăm năm” của lòng thời gian thi nhân đã bước ra ngoài nơi “cõi người ta” của lòng không gian, từ trong lòng không gian của “cõi người ta” thi nhân bước ra ngoài lòng thời gian của “trăm năm”, rồi trước sau thi nhân vẫn liên tục bước đi vào tận bên trong của tất cả cái “trong” của đời người mà ý nghĩa trọn vẹn nhất nằm trong hai chữ “trong lòng”. Chữ “trong” chỉ có ý nghĩa đa diện và toàn diện trong nghĩa “trong lòng”: trong chỉ có nghĩa đầy đủ là ở trong lònglòng chỉ có ý nghĩa trọn vẹn là “ở trong”. Tất cả Truyện Kiều đều bắt đầu và chấm dứt bằng chữ “lòng”; tất cả Triết Lý Việt Nam là ở đó.

P.C.T., "Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc", Viện Triết lý
Việt Nam và Triết học thế giới, Hoa Kỳ, 1996.

Tác giả giữ bản quyền.

Bình luận (0)

Viết bình luận :