Thiền sư Trần Nhân Tông đã nhắc nhở gì cho dân tộc Việt khi mùa xuân về?

12/02/2021

Trên đỉnh núi cao của Yên Tử vắng vẻ, tịch liêu của buổi sáng mùa xuân ấy, Trần Nhân Tông dường như đã tìm được cánh cửa vô hạn của đời mình: “Trăng sáng đầy cõi tâm”.

I .

Trong truyện ngắn có tên là Mẹ và Em, cố nhà văn Võ Hồng có viết một câu mà theo tôi gần như là một sự khẳng định: “Có lẽ vì văn minh không lặp lại còn thiên nhiên thì không đổi thay”.

Đúng là biết bao nền văn minh đã suy tàn và những nền văn minh mới lại ra đời. Còn thiên nhiên là mây trắng, là nắng vàng, những bình minh, những buổi chiều tà, vẻ tĩnh lặng của dòng sông hay tiếng rền của núi thì không bao giờ thay đổi.

Còn có một cái không thay đổi nữa, đó là thứ âm thanh lạ lùng mà lỗ tai chúng ta không bao giờ nghe được. Đó là âm thanh tịch liêu của vũ trụ.

Thi hào Vương Duy đời Đường bên Trung Quốc, nghĩa là cách đây hơn một ngàn rưỡi năm, trong một đêm xuân có trăng sáng trên đỉnh núi cao đã bất chợt nghe được thứ âm thanh tịch liêu này thổi qua núi vắng:

Nhân nhàn quế hoa lạc

Dạ tính xuân sơn không

Nguyệt xuất kinh sơn điểu

Thời minh xuân giản trung.

Người nhàn hoa quế rụng

Đêm vắng núi xuân không

Trăng tỏ động chim núi

Khe xuân tiếng hót vang.

(Vũ Thế Ngọc dịch)

Gần mười thế kỷ sau, cũng vào một buổi sáng mùa xuân, thiền sư thi sĩ Trần Nhân Tông của nước Đại Việt lên đứng một mình trên núi Bảo Đài thuộc dãy Yên Tử của quê hương và cũng đã lắng nghe được thứ âm thanh tịch liêu đó thổi tràng qua bài thơ Đăng Bảo Đài Sơn của ông:

Địa tịch đài du cổ

Thời lai xuân vị thâm

Vân Sơn tương viễn cận

Hoa kính bán tình âm.

Vạn sự thủy lưu thủy

Bách niên tâm ngữ tâm

Ỷ lan hoành ngọc địch

Minh nguyệt mãn hung khâm.

Cảnh vắng đài thiên cổ

Xuân sang màu chửa hồng

Xa gần mây núi hợp

Rợp bóng nẻo hoa hồng.

Vạn sự nước xuôi nước

Trăm năm lòng gửi lòng

Tựa hiên nâng sáo thổi

Trăng sáng đầy cõi tâm

(Nguyễn Lang dịch)

Có cái gì thôi thúc trong lòng muốn nói thành lời, nhưng ngôn ngữ không diễn đạt được, nên thiền sư của chúng ta đành: “Trăm năm lòng ngõ lòng”. Trên đỉnh núi cao của Yên Tử vắng vẻ, tịch liêu của buổi sáng mùa xuân ấy, Trần Nhân Tông dường như đã tìm được cánh cửa vô hạn của đời mình: “Trăng sáng đầy cõi tâm”. Nhưng giữa thế giới ồn ào, đầy tiếng động này, ai là người có thể lắng nghe được thứ âm thanh tịch liêu của vũ trụ đó? Trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú viết bằng chữ Nôm, Trần Nhân Tông đã viết:

Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sỹ tiêu dao;

Chiền (chùa) vắng am thanh, chỉn (chính) thực cảnh đạo nhân du hý.

Vậy là, chỉ có những kẻ can đảm vứt bỏ lại sau lưng cuộc đời đầy bụi bặm, lên đường tìm đến nơi thâm sơn cùng cốc thì mới lắng nghe được tiếng nói huyền diệu ấy.

I I .

Một lần nọ, Trần Nhân Tông đứng ngắm buổi chiều mùa xuân như thế này:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.

(Xuân cảnh)

Trong khóm hoa dương liễu rậm, chim hót chậm rãi

Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay.

Thì điều kiện của Trần Nhân Tông đưa ra như sau:

Khách lai bất vấn nhân gian sự

Cộng ỷ lan can khán thúy vi.

Khách đến chơi không nên hỏi việc đời

Mà nên tựa lan can ngắm màu xanh mờ mịt ở tận chân trời.

Vậy chuyện đời, theo Trần Nhân Tông là chuyện gì?

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc

Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn

Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch

Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm

Lòng lợi danh lạnh theo trận mưa đêm

Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch

Một tiếng chim kêu lại cảnh xuân tàn.

Dường như mấy tiếng “núi non tịch mịch” cứ lặp đi lặp lại  mãi trong cõi thơ của Trần Nhân Tông.

 I I I .

Nhưng khi thi nhân đã trở thành Thiền sư, thì cách nhìn về thiên nhiên, về mùa xuân cũng hoàn toàn đổi khác. Như bài thơ Xuân vãn của Trần Nhân Tông dưới đây:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung

Như kim khám phá đông hoàng diện

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

Niên thiếu chưa từng hiểu sắc không

Xuân sang hoa sắc vướng tơ lòng

Diện mục xuân nay từng khám phá

Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng.

(Nguyễn Lang dịch)

Khi đọc bài thơ này, sẽ có nhiều người nghĩ là tâm hồn của các thiền sư đã nguội lạnh, không còn biết rung động với bao nỗi buồn vui của nhân thế nữa, thì làm sao các thiền sư có thể xuống núi để cứu khổ cho cuộc đời? Để tránh ngộ nhận này, ta có thể lấy câu:

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Của thiền sư Vạn Hạnh đời Lý, mà giải thích câu:

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng

Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng

Của thiền sư Trần Nhân Tông đời Trần.

Như vậy, “Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng” không phải là không còn thiết tha với cuộc đời, mà phải hiểu là các thiền sư không còn sợ hãi thịnh suy, hưng phế, thành bại mà con người chúng ta vẫn thường nơm nớp lo sợ.

Chính cái tinh thần không sợ hãi (vô bố úy) này, mà hoàng đế Trần Nhân Tông đã hai lần lãnh đạo toàn dân nước Đại Việt đánh tan đạo quân của đế quốc Nguyên Mông đến xâm lược nước ta  vào thế kỷ thứ 13, trong khi từ Đông sang Tây thời bấy giờ đang nằm trong cơn sốt Thát Đát. Để rồi cuối cùng, Trần Nhân Tông đã cùng với dân tộc hát lên bài ca chiến thắng:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

Đồi Trại Thủy, mùa xuân năm Tân Sửu
Ảnh: Hiếu Trần

Bình luận (0)

Viết bình luận :